Skip links

Bạn có biết về người song tính?

Một người bạn mới quen đã hỏi tôi có phải là “bi” (bisexual – người song tính) không vì cách giao tiếp của tôi nhẹ nhàng quá, một câu hỏi không quá lạ với tôi, tuy nhiên, có vẻ chủ đề này được khá nhiều bạn quan tâm, bằng chứng là các video về các bộ phim của động đồng LGBT được tôi đăng lên đa phần đều có lượt view cao hơn các bài khác. Đây là một bài viết tôi đọc được trên báo điện tử Motthegioi.vn, một kiến thức không mới nhưng hữu ích, chúc mọi người buổi tối vui vẻ 🙂

Người song tính (Tiếng anh là “bisexual”, trước đây còn gọi là người lưỡng tính) là người có khả năng cảm thấy hấp dẫn về tình cảm, cảm xúc hay thể chất với cả hai giới/nhiều giới.

Điều cần lưu ý đầu tiên, “song tính” là một khái niệm chung, bởi vì giữa từng người song tính khác nhau sẽ rất khác nhau. Ví dụ, những người cảm thấy hấp dẫn bởi cả nam và nữ có thể không nhất thiết phải nhận dạng mình là song tính – họ có thể xem mình chủ yếu là đồng tính hoặc dị tính, hoặc họ có thể chựa lọn không gắn bất cứ cái “nhãn” nào cả.
Nhiều trường hợp, một người có thể có cảm xúc hấp dẫn với cả nam và nữ, nhưng chỉ quan hệ tình dục với một giới, hoặc không hề có quan hệ tình dục. Sự hấp dẫn không nhất thiết phải được cân đo, cảm xúc với hai giới tính không nhất thiết ngang nhau hoặc tồn tại trong cùng một thời điểm. Điều này phụ thuộc vào những người mà họ tiếp xúc, bởi cảm xúc luôn là điều phức tạp và không đoán trước được.
Các nghiên cứu cho thấy hành vi song tính chiếm tới gần 1/3 trong số những người năng động tình dục. Một vài nghiên cứu cho thấy người song tính chiếm tới gần 50% trong tổng số cộng đồng LGBT (đồng tính nam, đồng tính nữ, song tính và chuyển giới).
Một số nhân vật nổi tiếng công khai có cảm xúc với cả hai giới (không nhất thiết họ nhận mình là song tính) có thể kể đến: Billie Joe Armstrong, Marlon Brando, Christina Aguilera, Angelina Jolie, Lady Gaga…

Những hiểu lầm thường gặp
Trong quá khứ, tâm lý học đã bỏ qua song tính vì cho rằng song tính không tồn tại. Có hẳn một thuật ngữ để chỉ về hiện tượng phủ nhận sự tồn tại của song tính: bisexual erasure. Các hiểu lầm này xoay quanh việc giảm tối đa khả năng một người có thể là người song tính, mà luôn muốn quy về thành đồng tính hoặc dị tính.
Một số khác cho rằng đó là một dạng hành vi lệch chuẩn hoặc một giai đoạn nhất thời, lưỡng lự, không dứt khoát, băn khoăn, lăng nhăng, tò mò, muốn gây chú ý, vân vân.
Song tính ít được nhắc tới trong cộng đồng LGBT càng làm cho những hiểu lầm được tô vẽ thêm.

Vấn đề về công khai
Nhiều nhận định cho rằng người song tính gặp nhiều khó khăn trong việc công khai (coming out) hơn cả người đồng tính.
Nếu họ đang trong một mối quan hệ với người khác giới, việc công khai có thể không cần thiết, hoặc gây ảnh hưởng tới mối quan hệ. Còn nếu họ đang trong một mối quan hệ với người cùng giới, việc công khai là người song tính đôi khi lại bị hiểu lầm hoặc nghi ngờ. Còn nếu họ đang không trong mối quan hệ nào, việc công khai lại thường bị cho là họ đang “bối rối, chưa quyết định.”
Thậm chí ở nhiều nơi, nhiều hoàn cảnh dù đã xem việc thích người cùng giới là bình thường, và người đồng tính có thể dễ dàng công khai; thì đối với người song tính đây vẫn là một quyết định cực kỳ khó khăn.
Người song tính đôi khi còn phải thuyết phục những người mà mình công khai về khuynh hướng của mình. Nhất là đối với những người đang hoặc từng có mối quan hệ sẽ bị quy về đồng tính hoặc dị tính, tùy vào giới tính của người trong mối quan hệ đó. Chẳng hạn trước giờ bạn quen với người khác giới, nay việc công khai bạn là người song tính sẽ bị nghi ngờ bạn đang “nhất thời.” Và ngược lại nếu trước giờ bạn quen với người cùng giới, bạn sẽ rất khó khăn khi nói rằng bạn cũng có sự hấp dẫn với người khác giới.
Kì thị và định kiến đặc biệt
Người song tính có thể bị kì thị từ cả cộng đồng dị tính lẫn đồng tính. (Có một từ riêng là biphobia để chỉ sự kì thị hướng tới song tính) Ví dụ, người dị tính có thể nghĩ người song tính là “thẳng” nhưng chỉ đang “thử nghiệm” tình dục cùng giới; trong khi người đồng tính có thể nghĩ người song tính là “cong” nhưng đang “cố gắng” chối bỏ hoặc sợ phải chấp nhận khuynh hướng tính dục của mình.
Gần đầy, Dan Salvage, một nhà hoạt động đồng tính nổi tiếng, trong bài phát biểu của mình đã thể hiện nhiều quan điểm định kiến về người song tính, và châm biếm “những người song tính chỉ nên quen với nhau.”
Người song tính còn bị áp lực xã hội trong việc chọn giới mà họ thích. “Tại sao phải chọn một trong khi bạn có thể đi cả hai?” Người song tính thường cố che giấu cảm xúc không được ủng hộ trong cộng đồng mà họ đang đứng, ví dụ nếu đứng trong cộng đồng dị tính sẽ phải che giấu cảm xúc với người cùng giới; và ngược lại. Họ luôn bị đóng trong các “khuôn” của đồng tính hoặc dị tính.
Tôi từng chứng kiến 2 câu chuyện khá thú vị: Một người đồng tính nhận mình là song tính, vì muốn gia đình còn một chút “hy vọng” mình còn có thể thích người khác giới. Ở câu chuyện kia, một người song tính lại nhận mình là đồng tính, vì muốn gia đình không phải chất vấn về chuyện “thế tại sao mày không thích người khác giới là được rồi?”
Sự thật là, sẽ rất khó khăn nếu bạn là một người song tính, trong cái thế giới mà chúng ta đang sống này, thế giới của trắng và đen, của phải chọn “cái này” hay “cái kia.” Khi bạn không ở chiều này hay chiều kia, cuộc sống sẽ đầy ánh mắt hoài nghi mà cả người dị tính và đồng tính dành cho bạn.
Vài lời tạm kết
Nếu bạn nghĩ mình là song tính, hoặc cảm thấy băn khoăn hay đang bị kì thị về khuynh hướng của mình, có thể sẽ rất hữu ích nếu bạn trò chuyện với những người hiểu biết và cảm thông. Và hãy thận trọng với những người hoặc chuyên gia cố thuyết phục bạn phải chọn giữa đồng tính và dị tính.
Một bạn nữ song tính tôi biết tâm sự rằng thật ra bạn thấy rõ hai con đường trước mắt mình, một khó khăn (nếu đi với người cùng giới) một dễ dàng (nếu đi với người khác giới). Mặc dù nhìn vào thì sẽ thấy người song tính có cơ hội để đi con đường dễ dàng hơn, nhưng quan trọng nhất bạn vẫn muốn được là chính mình và thể hiện đúng với con người của mình, không phải lo lắng hoặc sức ép phải suy nghĩ và yêu thương như thế nào “là đúng, là sai.” Và muốn dù cho mình đi con đường nào, thì cũng không bị những người bên kia “ném đá.”
Xã hội đang dần cới mở với người đồng tính hơn, và xem đó là một điều bình thường cũng như dị tính. Nhưng chỉ khi nào mọi người cũng công nhận và tôn trọng song tính như một điều bình thường và tự nhiên, thì lúc đó tất cả những định khuôn về việc “bạn có thể yêu ai, bạn nên yêu ai” sẽ biến mất. Bản thân cộng đồng LGBT cũng cần có nhiều đối thoại hơn để người đồng tính, chuyển giới cũng hiểu đúng và gắn kết hơn, tiến tới không phân biệt bất kỳ xu hướng và bản dạng nào nữa.
Nguồn: motthegioi
©2015 Bản quyền thuộc về www.dntg.vn. Ghi rõ nguồn DNTG.VN – Mỗi Năm Học Một Điều Mới – khi bạn phát hành lại thông tin từ website này.

Leave a comment

This website uses cookies to improve your web experience.
Home
Account
Cart
Search
Explore
Drag