Skip links

Cá ngừ đại dương: Từ ngư trường đến thị trường

Với sản lượng đánh bắt hàng năm trên 5.000 tấn, nghề câu cá ngừ đại dương đã mang lại một nguồn thu nhập lớn cho ngư dân Phú Yên. Các doanh nghiệp cũng tăng cường mở rộng thị trường xuất khẩu, từ con số khoảng 25 nước (năm 2000) đến nay cá ngừ đại dương Việt Nam đã xuất sang 87 nước trên thế giới.
Giữ vững và ổn định ngư trường
Đối với ngư dân Phú Yên, ngư trường khai thác cá ngừ đại dương thường cách đất liền khoảng 200 – 500 hải lý. Ngoài một số trang thiết bị cần thiết như máy bộ đàm, định vị, máy dò, thúng chai…, mỗi tàu trang bị lương thực đủ cho khoảng 10 người sống khoảng một tháng trên biển. Với đặc tính con cá ngừ là vừa chạy vừa ăn mồi, mồi câu mà ngư dân thường sử dụng trước đây là cá tươi, nhưng sản lượng đánh bắt không cao. Mấy năm gần đây, ngư dân đã phát hiện ra một loại mồi câu mới mà cá ngừ rất ưa thích đó là mực xà. Thường thì họ liên kết từ 5 đến 8 chiếc tàu câu cá ngừ là anh em ruột hoặc dòng họ. Khi ra khơi, các tàu tỏa đi các hướng để tìm luồng cá, nếu phát hiện họ dùng bộ đàm để gọi nhau bằng tần số và những mật mã, ký hiệu riêng…
Ông Võ Đốc, ở phường 6 (TP Tuy Hòa) cho biết: Lúc đầu giàn câu cá ngừ đại dương rất ngắn, ít lưỡi nên sản lượng cá đánh bắt được không nhiều. Sau này, người dân cải tiến, giàn câu dài hàng chục hải lý, có từ 600 – 800 lưỡi câu được cột đều trên một sợi dây triên dài. Trước đây lưỡi câu do ngư dân tự làm, sau này nhiều cơ sở sản xuất ra đời nên chỉ việc đưa tiền ra là có đầy đủ.
Các doanh nghiệp ở Phú Yên thu mua, sơ chế và xuất khẩu cá ngừ đại dương
Phú Yên được mệnh danh là tỉnh tiên phong trong nghề khai thác cá ngừ đại dương và có sản lượng đánh bắt hàng năm nhiều nhất cả nước (năm 2011 đánh bắt hơn 5.600 tấn), song phương tiện đánh bắt còn nhỏ, khâu chế biến, bảo quản chưa thật tốt nên chất lượng, giá cả không ổn định. Theo ông Biện Minh Tâm, Giám đốc Sở NN&PTNT Phú Yên: “Để ổn định ngư trường và đánh bắt mang lại hiệu quả cao, ngư dân cần đầu tư trang thiết bị và đóng mới tàu thuyền có công suất lớn tương xứng”.
Để thương hiệu cá ngừ vươn xa
Đầu tháng 10/2011, Cục Sở hữu trí tuệ thuộc Bộ Khoa học – Công nghệ đã cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể cá ngừ đại dương Phú Yên. Đây là nhãn hiệu cá ngừ đại dương đầu tiên ở Việt Nam và việc cấp nhãn hiệu tập thể này có ý nghĩa rất quan trọng, góp phần đẩy mạnh thương hiệu và xuất khẩu cá ngừ đại dương Phú Yên ra thị trường thế giới. Tuy nhiên, cá ngừ đại dương là đối tượng chịu sự chi phối, điều chỉnh của Hiệp định về đàn cá di cư quốc tế, nằm trong Công ước quốc tế Luật biển. Cá ngừ đại dương là loài di cư, khi đến vùng biển Việt Nam sẽ chịu sự điều hành của Ủy ban nghề cá Tây, Trung Thái Bình Dương (WCPFC). Hiện nay, tất cả các vùng biển khai thác cá ngừ đã được các tổ chức quốc tế quản lý chặt chẽ, trong khi nước ta chưa phải là thành viên của WCPFC. Do vậy, ngư dân và các doanh nghiệp Việt Nam đã và đang vấp phải nhiều rào cản về đánh bắt và xuất khẩu sản phẩm vào một số thị trường nước ngoài.
Cá ngừ đại dương cập Cảng Vũng Rô (Phú Yên) sau mỗi chuyến đánh bắt dài ngày trên biển
Mới đây, tỉnh Phú Yên đã tổ chức hội thảo nhằm tìm hướng phát triển bền vững cho nghề khai thác và chế biến, xuất khẩu thủy sản trong thời gian tới. PGS.TS Nguyễn Quốc Thịnh, Trung tâm Thương hiệu, thuộc Đại học Thương mại Hà Nội cho rằng, việc thành lập thương hiệu tập thể cho sản phẩm thủy sản Phú Yên có ý nghĩa rất quan trọng. Thương hiệu tập thể là tạo dựng hình ảnh chung bên cạnh hình ảnh riêng về sản phẩm và về doanh nghiệp, đưa hình ảnh đó đến với khách hàng, công chúng. Trước mắt, Hiệp hội Cá ngừ Phú Yên phải được hoàn thiện, có ban kiểm soát, thông tin cho doanh nghiệp và ngư dân biết tất cả các quy định, vấn đề liên quan đến sản phẩm cá ngừ tại các thị trường xuất khẩu. Cần sớm đưa Việt Nam gia nhập WCPFC, phát triển thương hiệu cá ngừ đại dương của Phú Yên nói riêng và thương hiệu cá ngừ đại dương Việt Nam nói chung trên thị trường quốc tế.
>> Theo Hiệp hội cá ngừ Việt Nam, trong 3 thị trường truyền thống của cá ngừ việt nam gồm Mỹ, EU và Nhật Bản, Mỹ vẫn là thị trường chính, chiếm tới 46% tổng giá trị xuất khẩu.

Ngọc Chung
Theo: Thuysanvietnam

©2015 Bản quyền thuộc về www.dntg.vn. Ghi rõ nguồn DNTG.VN – Mỗi Năm Học Một Điều Mới – khi bạn phát hành lại thông tin từ website này.

Leave a comment

This website uses cookies to improve your web experience.
Home
Account
Cart
Search
Explore
Drag