Skip links

Có một loại Thiện Lương gọi là “lặng lẽ”

Cổ ngữ nói: “Người thiện lương cho dù chưa nhận được phúc nhưng họa thì đã rời xa”. Bởi vậy, làm người, đừng vứt bỏ thiện lương. Thế giới có thể hỗn loạn nhưng nội tâm không thể dơ bẩn, có một số việc không cần nói thì nên trầm mặc, có một số việc có thể nhìn thấu nhưng không nên nhìn thấu, có một số người có thể nhìn thấu nhưng không nên bóc trần.
Thiện lương dẫu không thể mang lại bất cứ hồi báo vật chất nào, cũng không thể khiến bạn sau một đêm trở thành vĩ nhân, nhưng lại có thể đem đến cho bất cứ ai một cảm giác bình yên và thanh thản trong lòng.
Sống ở trên đời, mỗi người đều có quyền lựa chọn trở thành người cao thượng hay làm kẻ thấp hèn. Lương thiện, cho dù phát sinh ở những nơi không ai thấy, thì đơn thuần chỉ là sự lựa chọn của mỗi người.
Ngô Mạnh Đạt và Châu Nhuận Phát là bạn thân từ thời trẻ. Trước khi thành công, hai người ngày ngày đều ở cùng nhau.
Về sau, Ngô Mạnh Đạt tham gia diễn xuất và đã có những vai diễn kinh điển, mau chóng nổi tiếng khắp hai bờ Hồng Kông và Trung Quốc.
Nhưng sau khi thành danh, Ngô Mạnh Đạt lại đắm chìm trong tửu sắc và bài bạc. Con người ta một khi bị danh lợi sắc tình cám dỗ, thì cũng giống như hỏi đường quỷ dữ vậy, cứ thế đi mãi đi mãi đến trước cánh cổng địa ngục.
Ngô Mạnh Đạt đắm chìm trong tửu sắc và bài bạc, công việc chỉ qua loa cho xong, cuối cùng chính tay mình lại hủy đi sự nghiệp của chính mình, hơn nữa còn mang trên vai khoản nợ khổng lồ.
Trong khi đó, người anh em của ông là Châu Nhuận Phát vốn khẳng khái trượng nghĩa, bỏ ra bao nhiêu tiền cũng là chuyện dễ dàng. Ngô Mạnh Đạt bèn tìm đến Châu Nhuận Phát mượn tiền. Không ngờ, Châu Nhuận Phát không những không đưa cho ông một đồng, mà còn lạnh lùng quay lưng: “Ông hãy tự mình giải quyết đi!”.
Ngô Mạnh Đạt như bị dội một gáo nước lạnh, vào lúc khó khăn nhất, người bạn thân thiết của mình lại khoanh tay làm ngơ, đã không giúp đỡ, lại còn tỏ ra lãnh đạm vô tình.
Ông hận Châu Nhuận Phát, thề rằng “từ giờ đến chết sẽ không qua lại với anh ta nữa”.
Chính ngay lúc Ngô Mạnh Đạt bị dồn tới đường cùng, cả cuộc sống và sự nghiệp đều rơi xuống vực thẳm, thì bỗng có đạo diễn đến mời ông đóng phim.
Ngô Mạnh Đạt mừng rỡ, bèn nắm lấy cơ hội mà ra sức rèn luyện kỹ năng diễn xuất. Sau khi bộ phim hoàn thành, Ngô Mạnh Đạt nhận được rất nhiều lời khen ngợi. Ông không chỉ trả xong các khoản nợ mà còn được trao giải Kim Tượng dành cho nam diễn viên xuất sắc nhất năm đó.
Châu Nhuận Phát cũng có mặt trong buổi lễ trao giải hôm ấy. Ngô Mạnh Đạt bước lên bục chỉ liếc mắt nhìn ông ta mà không thèm đếm xỉa đến, rồi ông dùng hết lời bày tỏ lòng cảm kích vô hạn với đạo diễn. Đến lúc này vị đạo diễn mới tiết lộ một bí mật giấu kín bấy nay: “Người mà anh nên cảm ơn không phải là tôi, mà là…”.
Thì ra, người tiến cử Ngô Mạnh Đạt với đạo diễn năm đó lại chính là Châu Nhuận Phát.
Ánh mắt của Ngô Mạnh Đạt mơ hồ nhìn xa xăm. Ông cho rằng bản thân mình đã nhìn thấu nhân tình, vậy mà lại không hiểu được thiện ý của người anh em chí cốt. Cuối cùng ông đã minh bạch, nếu khi đó Châu Nhuận Phát đồng ý cho mượn tiền, thì có lẽ ông vẫn sẽ thua sạch ở sòng bạc, vẫn là bộ dạng chè chén say sưa ở những hộp đêm, vẫn tiếp tục sa ngã trong tận cùng vực thẳm, mãi mãi không bò dậy được.
Bạn bè thật sự, không phải chỉ là người biết đưa tay giúp đỡ, mà điều anh ta thật sự mang đến cho bạn chính là để giúp bạn trở nên hoàn thiện hơn.
“Hoàn cảnh đáng thương sẽ không mang đến sự giúp đỡ, chỉ có kiên trì bất khuất mới có thể nhận được sự kính trọng” — đây mới là những lời mà người anh em năm đó muốn nói với ông.
Có một loại thiện ý, là trước mặt thì lạnh lùng mắng chửi, nhưng sau lưng lại âm thầm giúp bạn thu dọn tàn cục.
Thiện lương, không phải là gấp rút thỏa mãn tâm nguyện của mình, cũng không phải là hùa theo dục vọng của người khác. Bởi thiện lương ấy không chỉ là tình cảm, mà còn là một loại năng lực.
Trong thế giới của những người thành niên, phương thức biểu đạt thiện ý đẹp đẽ nhất không phải là trên cao nhìn xuống đồng cảm xả thí, mà là bình tĩnh giữ lại sự tôn nghiêm cho người.
Thiện lương nếu có sự tinh tế khéo léo trong đó, sẽ giúp đỡ người khác nâng cao giá trị bản thân mình.
Nicholas Winton – người anh hùng thầm lặng cứu thoát hơn 600 đứa trẻ
Năm 1988, trong chương trình “That’s Life” của BBC, có một ông lão 79 tuổi được mời đến tham dự. Ông yên lặng ngồi ở hàng ghế đầu tiên của hội trường, đôi mắt nheo lại, trên gương mặt toát lên vẻ thanh bình.
Người dẫn chương trình chậm rãi kể về câu chuyện năm xưa. Rồi cô cao giọng, hướng đến mọi người đang ngồi dưới khán đài, và nói: “Xin hỏi, ở đây có ai đã từng là đứa trẻ được ông Winton cứu vớt hay không?”.
“Soạt“, tất cả khán giả có mặt ở hội trường đều đồng loạt đứng lên và đưa mắt nhìn ông. Không ai nói bất cứ lời nào, họ chỉ lặng lẽ mỉm cười, và hướng ánh nhìn về phía ông lão. Thì ra, khán giả tham dự chương trình đều là những đứa trẻ được ông cứu vớt năm nào.
Thời khắc đó, dường như cả thế giới đều ghi nhớ, chỉ riêng bản thân ông lại vô tình quên đi. Những đứa trẻ năm xưa với gương mặt ngơ ngác bước xuống xe lửa ngày ấy, giờ đây họ đều đã ngoài 50, rất nhiều người đầu tóc nay cũng đã bạc trắng.
Ông lão bối rối không biết phải phản ứng ra sao. Trước những nụ cười thân thiện và tràng pháo tay của mọi người, ông lão ngẩn người một lúc lâu. Ông kinh ngạc quay đầu lại, vẫn chưa kịp hiểu rõ chuyện gì đang diễn ra. Sau vài phút im lặng, toàn hội trường gửi lời chào đến ông, những tiếng vỗ tay vang lên hồi lâu vẫn không ngớt. Thì ra, ông lão đã cất giữ một bí mật to lớn suốt 50 năm, ngoài bản thân ông thì không một ai biết đến.
Đây là một câu chuyện đủ dài, dài đến nỗi phải quay ngược thời gian trở về cái thời chiến tranh khói lửa của gần một thế kỷ trước.
Năm 1938, chàng trai trẻ Nicholas Winton đã dùng toàn bộ số tiền tích cóp của mình để cứu thoát hơn 600 đứa trẻ ra khỏi Đức Quốc xã.
Khi đó Nicholas vẫn chỉ là một chàng trai trẻ người Anh ở độ tuổi 29. Trong cái hỗn loạn của cuộc chiến tranh thế giới thứ hai, ông đã lặng lẽ giúp 669 trẻ em Tiệp Khắc trốn thoát khỏi các trại tập trung của Đức Quốc xã, bố trí 8 đoàn tàu đưa các em nhỏ sang nước Anh tị nạn. Sau đó, ông lại dùng toàn bộ số tiền của mình vào việc tìm gia đình mới cho các em, để những đứa trẻ này có thể tiếp tục sinh tồn.
Ông đã dựa vào sức của bản thân để cứu vớt 669 sinh mệnh. Trong thời đại đen tối nhất, Nicholas đã thắp lên ngọn lửa lương tri, để ánh hào quang của nhân tính luôn rực rỡ sáng ngời.
Nhưng Nicholas lại không coi những việc mình làm là điều gì vĩ đại. Ông đã lựa chọn giấu kín chuyện này, đặt danh sách những đứa trẻ được cứu cùng toàn bộ tư liệu vào trong một cái rương rồi đóng kín lại, tiện tay cất vào một góc trong nhà kho suốt 50 năm. Ông chưa từng đề cập chuyện này với bất kỳ ai, dù đó là người thân thiết nhất cũng không hề nhắc đến. Ông giấu mình giữa mọi người, dường như câu chuyện ấy chưa từng xảy ra trên tinh cầu này.
Cho đến 50 năm sau, vợ của Nicholas dọn dẹp nhà kho đã vô tình đụng phải một cái rương cũ. Khi mở ra, bà nhìn thấy từng tấm ảnh bên trong và một danh sách những đứa trẻ được cứu sống, cánh cửa bí mật này cuối cùng mới hé lộ. Sau khi bí mật được vén mở, người đời đều khen ngợi ông.
Nicholas Winton được nữ hoàng Anh phong tước hiệp sĩ ở tuổi 94. Người lãnh đạo Tiệp Khắc trao cho ông vinh dự cao nhất, trạm xe London tạc tượng của ông, thậm chí một hành tinh trong vũ trụ được đặt theo tên ông!
Nhưng ông vẫn bảo trì thái độ khiêm tốn, không mong muốn bản thân bị mọi người chú ý. Dù nhận được biết bao lời khen ngợi, nhưng ông vẫn bình tĩnh khiêm nhường. Ông nói: “Làm việc tốt không phải là để người ta biết, không phải tôi cố ý giữ bí mật, tôi chỉ là không nói ra mà thôi”.
Ông lão đã mang đến ánh sáng cho hàng trăm đứa trẻ ngay trong khoảng thời khắc đen tối nhất của lịch sử. Nhưng suốt 50 năm, những đứa trẻ ấy đều không hề hay biết có một ân nhân như vậy, từng vì chúng mà đã dùng hết khả năng của mình để đối kháng với bức màn đen tối của thời đại. Và sau khi đã thắp sáng sinh mệnh của họ rồi, ông lại lặng lẽ ẩn mình trong góc khuất.
Năm 2015, quý ngài Winton đã bình thản rời khỏi thế gian, hưởng thọ 106 tuổi.
Trên con đường lương thiện, bạn có thể anh dũng chiến đấu cô độc một mình, có thể càng bước đi càng cảm thấy lạc lõng, nhưng nó vẫn mãi mãi đáng được chúng ta lựa chọn. Bởi cuối cùng bạn sẽ vì lương thiện của chính mình mà có được sự bình an trong tâm hồn.
Điều cảm động nhất của thiện lương là một cái cây lay động một cái cây khác, một đám mây hòa mình vào một đám mây khác, một linh hồn đánh thức một linh hồn khác.
Cả thế giới đều đang hối hả lên đường, bận rộn đến nỗi chúng ta đang mau chóng già đi, hễ không cẩn thận liền đánh mất sự thiện lương trong mình. Nhưng Nicholas Winton lại mang đến cho chúng ta, những người đang bước đi hối hả, một khoảng lặng trong tâm hồn.
Dù có khoác lên mình cái vỏ người tốt, thì cũng không phải là thiện lương
Trên một tiết mục truyền hình nào đó, có một “đại thiện nhân” trực tiếp tặng tiền cho người dân vùng núi. Ông ta thô bạo nhét từng tờ tiền một vào trong tay mọi người. Nhưng khi buổi phát sóng vừa kết thúc, ông ta lại ngang nhiên thu hồi toàn bộ số tiền!
Trong thế giới náo nhiệt này, có một nhóm người luôn thích ‘làm ra vẻ’, dù cho trên đầu có đội lên vòng nguyệt quế đi nữa, thì cũng không lộ ra gương mặt lương thiện được. Khi họ đến gần, chưa nhìn thấy mặt đã nghe thấy chiêng trống vang trời, náo nhiệt vô cùng. Nhưng khi họ rời khỏi, ngoài vết thương lưu lại trên người bạn ra, thì không còn lại gì cả.
Ở Tô Châu, có một đôi vợ chồng già đã hơn 80 tuổi, luôn âm thầm giúp đỡ một cậu sinh viên. Cậu sinh viên này tên Chu Mạch, tuy vậy cậu chưa từng gặp họ, chỉ biết người giúp đỡ mình đã từng là giáo sư của một trường đại học ở Tô Châu.
Lễ tốt nghiệp năm ấy, trong trường tổ chức “Hội gặp mặt tốt nghiệp của những sinh viên nghèo”, anh đã mời hai ân nhân đến tham dự.
Nhưng hai ông bà chỉ gửi cho cậu một lá thư chúc phúc: “Con à, sở dĩ hai bác không đến tham dự, là vì không muốn tạo thêm gánh nặng tư tưởng cho con. Hy vọng duy nhất của hai bác là mong con lớn lên khỏe mạnh, làm một người lương thiện”.
Trong mỗi câu chuyện nhỏ, đều có một lựa chọn thiện ý
Một bà mẹ từ làng quê gả đến thành phố, mỗi năm về quê thăm bạn bè người thân, đều sẽ tháo bỏ bông tai, dây chuyền, khoác trên mình những bộ quần áo vải bình thường nhất.
Một đứa trẻ nhìn thấy cậu bạn khác ngồi xe lăn, bèn thôi không chỉ chỉ trỏ trỏ, cũng không chạy nhảy nô đùa ngay trước cậu ấy.
Một chủ xe nhìn thấy bên đường có hai mẹ con, ông không hề lớn tiếng bấm còi mà chỉ dừng xe lại để cho họ sang đường. Khi đi đến giữa đường, đứa trẻ bỗng cúi mình, vui vẻ vẫy tay về phía ông.
Mỗi một việc nhỏ đều bao hàm một lựa chọn trong đó. Không phải cứu vớt Trái Đất mới được xem là thiện lương, cứu một người mới được tính là thiện lương, xả thân vì người mới được tính là thiện lương, bố thí giúp người mới được tính là thiện lương, mà làm việc thiện không cần hồi báo chính là thiện lương hoàn hảo nhất.
Khi nhìn thấy người xa lạ lúng túng, bạn giả vờ như không nhìn thấy, ấy cũng là thiện lương; Sau khi nhường chỗ, liền rời khỏi chỗ ban đầu, đi thêm mấy bước, ấy cũng là thiện lương; Người khác mắc bệnh tịnh dưỡng, không nhằm lúc người ta mệt mỏi mà đột ngột đến thăm, ấy cũng là thiện lương; Nhìn thấy người bên cạnh rơi nước mắt, bớt hỏi mấy câu “thế nào rồi”, ấy cũng là thiện lương.
Nếu đem so với những hành động vĩ đại oanh oanh liệt liệt, thiện lương lại là ung dung thản thiên, âm thầm lặng lẽ, đó là bởi thiện lương đã đạt đến cảnh giới hoàn mỹ.
99% thiện lương là diễn ra ở những nơi bạn không nhìn thấy
Có họa sĩ từng vẽ bức tranh như thế này: Người dưới giếng giơ tay lên xin được giúp đỡ, người trên giếng đưa tay xuống tương cứu, nhưng vẫn không thể với tới được. Trong khi đó, ngay bên cạnh anh ta là một cái thang đang nằm ngay ngắn trên mặt đất. Có những lúc, người đưa tay ra giúp bạn lại không phải là bạn bè thật sự; trong khi người ngoảnh mặt với bạn, lại chính là tri kỷ tri âm.
Có một loại thiện lương gọi là “lặng lẽ”: Không danh tính, không lời nói, cũng không bao giờ nguyện ý khoe khoang. Không thấy rõ trước mắt, không sôi nổi ồn ào, cũng không miễn cưỡng bản thân, trong sự điềm tĩnh thản nhiên kia mà thấu tỏ lòng người.
Cơn mưa cam lồ tưới mát cho cả người tốt lẫn kẻ xấu, ánh nắng mặt trời cũng sưởi ấm và soi sáng cho cả người tốt và kẻ xấu. Đối với mỗi chúng ta, ai ai cũng có quyền lựa chọn, có thể làm người cao thượng, cũng có thể làm kẻ đê hèn.
Mỗi người chúng ta đều góp phần vào thời đại này, trải qua thời đại này, và để lại dấu ấn trong thời đại này. Mỗi một sự việc diễn ra trên thế giới, chúng ta không chỉ là khán thính giả, mà còn có thể góp phần vào trong đó nữa.
Thiện lương, dẫu phát sinh ở những nơi mà người khác không nhìn thấy, thì nói cho cùng vẫn chỉ là sự lựa chọn của nhân tính. Vậy nên, xin được gửi lời cảm ơn đến mọi sự thiện lương âm thầm lặng lẽ nơi thế gian này…
Theo https://phunugiadinh.vn
©2015 Bản quyền thuộc về www.dntg.vn. Ghi rõ nguồn DNTG.VN – Mỗi Năm Học Một Điều Mới – khi bạn phát hành lại thông tin từ website này.

Leave a comment

This website uses cookies to improve your web experience.
Home
Account
Cart
Search
Explore
Drag