Skip links

Giấc mộng “tỷ phú” tôm

Vụ tôm mới năm 2011 của tỉnh Bạc Liêu đang bắt đầu. Giá tôm nguyên liệu tăng cao kỷ lục đang lôi cuốn hàng ngàn người tìm đến giấc mơ tỷ phú. Cả những người đã từng thắng – bại, người chưa một lần nuôi tôm và cả những “đại gia” tỉnh ngoài… khiến những đầm tôm công nghiệp trong tỉnh sôi động chưa từng có. Không ai biết kết quả ra sao, nhưng hiện thời của cải và công sức của họ đang đổ vào đầm tôm chưa có giới hạn…!
Kỳ 1: Sốt như đất nuôi tôm
Theo số liệu của Chi cục Nuôi trồng thủy sản Bạc Liêu, diện tích nuôi tôm công nghiệp (CN) trong tỉnh tăng gần 1.000 ha so với vụ tôm năm 2010, nhưng chưa phải con số cuối cùng. Bởi lẽ, thời vụ nuôi tôm còn dài, phong trào thuê và cho thuê đất nuôi tôm vẫn còn diễn ra sôi nổi.
Đất hoang trở thành… đất quý
Anh Phạm Văn Mắt, quê tỉnh Hải Dương gọi Bạc Liêu là “mảnh đất thơm”. Bởi vậy, ngay từ đầu vụ, anh cùng mấy anh em rời quê, vượt hơn ngàn cây số tìm đến Bạc Liêu mướn đất nuôi tôm CN. Cánh đồng hoang hóa suốt nhiều năm trời nằm dọc đê biển thuộc phường Nhà Mát, TP. Bạc Liêu bỗng chốc trở thành đất quý. Để thuê được 20 ha đất trống ở đây, anh Mắt chỉ ký được hợp đồng từng năm, dù phải bỏ ra tiền tỷ đào mới ao nuôi và cải tạo từ đầu. Theo anh Mắt, chi phí cho cả vụ nuôi ước tính trên 2 tỷ đồng. Chưa biết thu hoạch được bao nhiêu tôm và lời được bao nhiêu tiền, nhưng khát vọng trở thành tỷ phú của anh mãnh liệt hơn bao giờ hết.
Anh cho biết, vụ tôm 2011 này, chỉ tính riêng Hải Dương đã đến cả vài chục người “ôm tiền” vào Bạc Liêu và các vùng lân cận ven biển đầu tư nuôi tôm CN. “Đất lành chim đậu”, ngoài những “đại gia” đến từ Hải Dương, ở các xã, phường ven biển thuộc huyện Hòa Bình, TP. Bạc Liêu, trên những đồng tôm hiện tại còn có rất đông những “đại gia” mới đến từ các tỉnh miền Đông, Tây Nguyên và một số tỉnh miền Bắc, trong đó có cả Hà Nội. Họ sẵn sàng thuê đất với giá cao gần gấp đôi so với vụ tôm năm 2010. Giá thuê thấp nhất cho mỗi héc ta là 10 triệu đồng/năm, và ở những nơi thuận tiện đường nước, giao thông, đất nuôi liên tiếp trúng mùa… thì mỗi ha lên đến 30 triệu đồng/năm. Phong trào chạy đua tìm đến giấc mơ tỷ phú của những người nuôi tôm CN đang diễn ra sôi động từng ngày. Đổi lại trong cuộc đua này, người dân địa phương ít hoặc không còn vốn đã “nhường chỗ” và chuyển đổi ngành nghề.
Biến đất hoang thành những đầm tôm bạc tỷ

Theo đánh giá của Chi cục Nuôi trồng thủy sản tỉnh Bạc Liêu, diện tích nuôi tôm CN đang mở rộng vượt xa kế hoạch của tỉnh là 11.000 ha. Diện tích này phần lớn khai thác từ đất bỏ hoang do nuôi thất bại từ những năm trước, đất làm muối chuyển mục đích và đất nuôi tôm quảng canh được bà con chuyển sang nuôi hoặc cho thuê nuôi tôm CN. Nhiều diện tích trong số tăng này đang phá vỡ quy hoạch vùng nuôi tôm công nghiệp của tỉnh.
Gánh nặng chi phí đầu vào
Ông Phan Tuấn Khải, Phó chủ tịch UBND xã Vĩnh Hậu A, huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc liêu cho biết, từ sau tết Nguyên đán đến nay, do nhu cầu đào mới và ủi ao nuôi quá nhiều đã xảy ra tình trạng khan hiếm xe cuốc, xe ủi trên địa bàn xã, dẫn đến kéo dài thời gian cải tạo ao đầm. Giá xăng, dầu tăng kéo theo giá dịch vụ cuốc, ủi đã tăng thêm từ 20 – 30%. Nhiều hộ nuôi tôm CN ở đây cho biết, giá các loại thức ăn tôm và thuốc thủy sản hiện nay cũng đang tăng từ 15 – 20%, đó là chưa kể mua thiếu các chủ đại lý tính thêm lãi suất mỗi tháng từ 2 – 3%. Không chỉ tăng giá thuê đất, dịch vụ xe cuốc, xe ủi mà tôm giống hiện nay cũng đang “cháy hàng”. Theo ông Phạm Hoàng Giang, Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng thủy sản Bạc Liêu: “Mặc dù Bạc Liêu là tỉnh được đánh giá năng lực sản xuất tôm giống nhất nhì miền Tây Nam bộ nhưng hiện nay vẫn phải thường xuyên gián đoạn nguồn cung. Do nhu cầu tôm giống tăng cao nên ngoài 8 tỷ con giống do các công ty lớn như Tôm Giống Dương Hùng, Việc – Úc, Kim Sa, Giống số 1… trên địa bàn tỉnh sản xuất thì năm nay Bạc Liêu phải nhập thêm ít nhất 2 tỷ con giống từ các tỉnh ngoài”. Anh Đoàn Trung Kiên, kỹ sư thủy sản quản lý địa bàn xã Vĩnh Hậu A, huyện Hòa Bình cho biết, do muốn mua tôm giống chất lượng, giá cao ở công ty giống có uy tín nên nhiều hộ nuôi ở đây phải đặt hàng trước cả tháng trời. Thậm chí, họ phải dời thời gian thả giống nhiều lần mới có được tôm giống để thả. Chưa kể đến chất lượng, ở những cơ sở tôm giống nhỏ lẻ lợi dụng khan hiếm nguồn tôm nên đã nâng giá tôm giống lên mỗi con từ 20 – 30 đồng nhưng vẫn không đủ để bán.
Theo dự báo của Sở NN&PTNT Bạc Liêu, năm nay giá thành sản xuất tôm sẽ tăng lên ít nhất 100 ngàn đồng/kg. Giá tôm nguyên liệu có thể lên xuống bất thường, thậm chí rớt giá thảm hại mà không ai đoán được. Nhưng cái mà người nuôi tôm biết chắc là giá các loại vật tư đầu vào đã tăng thì không bao giờ giảm. Do đó, bài toán lợi nhuận đang đặt ra cho những người nuôi tôm CN năm nay không dễ giải.
>> Hiện Bạc Liêu có diện tích NTTS được gần 110.000 ha, trong đó diện tích đang có tôm nuôi ở mô hình nuôi CN – BCN gần 2.300 ha. Năm nay diện tích nuôi tôm CN – BCN tăng hơn năm 2010 gần 1.000 ha gồm: huyện Hòa Bình hơn 200 ha, Đông Hải: 300 ha, Vĩnh Lợi: 50 ha, TP.Bạc Liêu: 100 ha. Đáng chú ý, ở phía Bắc quốc lộ 1A, huyện Giá Rai (ngành chức năng không khuyến cáo cho nuôi tôm CN) năm nay có đến 300 ha nuôi tôm công nghiệp.
(Còn tiếp Kỳ II: “Xé rào” quy hoạch – Ngành chức năng gặp khó)
                PHAN THANH NGÂN-thuysanvietnam.com.vn
©2015 Bản quyền thuộc về www.dntg.vn. Ghi rõ nguồn DNTG.VN – Mỗi Năm Học Một Điều Mới – khi bạn phát hành lại thông tin từ website này.

Leave a comment

This website uses cookies to improve your web experience.
Home
Account
Cart
Search
Explore
Drag