Skip links

Muôn cách giám sát ô nhiễm nước thải

Cũng là nhà máy thủy sản nhưng ở mỗi nơi lại phải áp dụng việc giám sát các thông số khác nhau. Nơi thì phải áp dụng 9 thông số, nơi lại nhiều hơn với 36 thông số. Liệu có gì ”sai lệch” trong việc áp dụng các thông số khác nhau cho cùng một ngành chế biến thủy sản?
 
Quy chuẩn QCVN 11: 2008/BTNMTcủa Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định 9 thông số ô nhiễm nước thải công nghiệp trong chế biến thủy sản phải được giám sát. Tuy nhiên, một số Ban Quản lý Khu công nghiệp (KCN) lại yêu cầu các nhà máy thủy sản nằm trong KCN phải giám sát 36 thông số theo Quy chuẩn QCVN 24: 2009/BTNMT với lý do là nước thải của các KCN phải áp dụng theo Quy chuẩn QCVN 24:2009/BTNMT, trong khi quy chuẩn này có các thông số cho phép với mức C thấp hơn mức C trong QCVN 11:2008/BTNMT, mặc dù trong mục 2.2 của QCVN 11:2008/BTNMT lại quy định thêm rằng: “Ngoài 9 thông số quy định tại bảng 1, tùy theo yêu cầu về kiểm soát ô nhiễm, giá trị C của các thông số ô nhiễm khác áp dụng theo cột A hoặc cột B của bảng 1 Tiêu chuẩn Quốc gia TCVN 4945:2005 – Chất lượng nước – Nước thải công nghiệp – Tiêu chuẩn thải”. Có lẽ chính vì điều này mà nhiều nhà máy nằm trong KCN phải chịu thêm chi phí cho việc xử lý nước thải.

Bên cạnh đó, các nhà máy cũng đang chịu các mức phí khác nhau do những cách tính khác nhau của các KCN. Tại Điều 52, Nghị định số 88/2007/NĐ-CP ngày 28/5/2007 của Chính phủ về thoát nước đô thị và KCN có quy định cách xác định hàm lượng chất gây ô nhiễm thu phí là chỉ dựa trên hàm lượng COD. Tuy nhiên, trong thực tế một số KCN tính phí dựa trên chỉ số này, một số KCN khác lại không. Do đó, chi phí phải trả của các DN chênh lệch rất nhiều giữa các KCN. Cụ thể như KCN An Nghiệp (Sóc Trăng) dựa trên chỉ số ô nhiễm COD để thu phí cao nhất là 5.380 đồng/m3, KCN Đông Xuyên (Vũng Tàu) thu 0,921 USD/m3 riêng cho một chỉ tiêu phôtpho không đạt (vượt 22,1mg/l), cho dù các chỉ tiêu còn lại đều đạt theo cột B QCVN 24: 2009/BTNMT; Trong khí đó ở KCN Amata (Đồng Nai), chi phí xử lý nước thải cao nhất mà nhà máy thủy sản Amanda Food phải trả là 0,325 USD/m3.

Ngoài ra, nhiều DN đang phải giữ lại trong kho các chất thải và hóa chất với số lượng ngày càng lớn mà chưa có biện pháp xử lý hoặc loại bỏ vì theo quy định, DN không được phép xả ra môi trường các chất thải rắn và hóa chất độc hại (như bóng đèn, dầu nhớt,…) mà phải đưa đi xử lý tại một cơ sở xử lý chất thải có đủ năng lực và có giấy phép hoạt động. Nhưng các cơ sở xử lý chất thải đáp ứng được yêu cầu nêu trên tại nhiều địa phương đang thiếu hoặc không có.

Phải chăng nguyên nhân của việc áp dụng các thông số giám sát nước thải và cách xác định hàm lượng chất gây ô nhiễm mỗi nơi một kiểu là do thiếu các hướng dẫn thực hiện những quy định khác nhau trong các Quy chuẩn của Bộ Tài nguyên và Môi trường, khiến một số DN thủy sản lãnh đủ và phải đóng mức phí bảo vệ môi trường cao hơn? Thậm chí, còn thiếu sự ”hài hòa” quốc tế, như trong một dự thảo Quy chuẩn QCVN 24: 2011/BTNMT mới đây của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định giá trị một số chỉ số quá thấp so với quy định của các nước khác. Cụ thể, hàm lượng phôtpho tổng số trong dự thảo giới hạn ở mức 4-6mg/l trong khi Nhật Bản tối đa cho phép là 16mg/l, một số nước khác như Chilê, Mêhicô, Achentina, Pêru là 10-45 mg/l; hàm lượng chất rắn lơ lửng (SS) trong dự thảo là 50-100mg/l trong khi Nhật Bản là 120mg/l, Mêhicô và Êcuađo là 200-220 mg/l….

Việc đảm bảo an toàn lao động, bảo vệ môi trường luôn được các DN thủy sản ưu tiên quan tâm cùng với đảm bảo chất lượng sản phẩm. Tuy nhiên, nếu áp dụng theo kiểu như trên đã nói thì DN thủy sản phải chịu ”thiệt đơn thiệt kép”, nhất là trong thời điểm có nhiều khó khăn về thị trường như hiện nay.

Nhằm tháo gỡ những khó khăn cho DN thủy sản trong quá trình áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về môi trường, Hiệp hội đã tổ chức Đoàn công tác gồm cán bộ Hiệp hội và Tổng cục Môi trường do Phó Tổng Thư ký VASEP Nguyễn Hoài Nam làm Trưởng đoàn đến khảo sát các DN tại 2 tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu và thành phố Hồ Chí Minh từ ngày 29-30/9 để nắm bắt và tìm hiểu cụ thể các vướng mắc của các DN chế biến thủy sản về xử lý chất thải, nước thải và bảo vệ môi trường.

vasep

©2015 Bản quyền thuộc về www.dntg.vn. Ghi rõ nguồn DNTG.VN – Mỗi Năm Học Một Điều Mới – khi bạn phát hành lại thông tin từ website này.

Leave a comment

This website uses cookies to improve your web experience.
Home
Account
Cart
Search
Explore
Drag