Skip links

Tan hoang “mỏ nghêu” Thạnh Phong

Cập nhật lúc: 10:01 AM, 22/08/2011
(Thủy sản Việt Nam) – Hai năm gần đây, con nghêu Bến Tre được chứng nhận thương hiệu MSC, nhờ vậy giá nghêu ngày một lên cao giúp cho đời sống của hàng ngàn cư dân sống vùng ven biển khá lên thấy rõ. Có điều, trong lúc HTX Thủy sản Rạng Đông, Đồng Tâm thuộc huyện Bình Đại quản lý, khai thác tốt thì ngược lại tại Thạnh Phong…!

Đất lành… nghêu tựu

Nằm giáp Biển Đông, dải đất bờ biển Thạnh Phong – Thạnh Hải (huyện Thạnh Phú, Bến Tre) dài khoảng 25km, giới hạn bởi cửa sông Hàm Luông và cửa sông Cổ Chiên. Trước năm 1975, Thạnh Phong là một trong những điểm tiếp nhận vũ khí từ Bắc chuyển vào Nam với những chiến tích vang lừng. Các bậc cao niên sống vùng ven biển ở đây cho biết, ngay từ thời đó, con nghêu cũng đã hiện diện tại Thạnh Phong. Đặc biệt từ năm 2000 đến nay, khoảng tháng 3 cho đến tháng 8 (âm lịch), lượng nghêu giống xuất hiện ở đây với trữ lượng khá lớn…

Ông Nguyễn Văn Hiếu, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre cho biết: “Cùng với các bãi nghêu tại huyện Bình Đại, Ba Tri, các bãi nghêu tại Thạnh Phong là nơi có môi trường sinh thái được kiểm định thường xuyên, con nghêu đạt đủ tiêu chuẩn để xuất khẩu vào thị trường “khó tính” châu Âu và một số nước khác. Con nghêu nuôi ở bãi biển Thạnh Phong rất mập, ruột trắng, chất lượng thịt ngon ngọt, giàu dinh dưỡng, được thị trường nhiều nước ưa thích. Hiện nay, vùng nuôi nghêu Thạnh Phong là một trong 3 vùng nuôi nghêu lớn tại ven biển Bến Tre đã được cấp chứng nhận thương hiệu MSC của Hội đồng Bảo tồn biển quốc tế MSC (Marine Stewardship Council)”. Ông Nguyễn Văn Hiếu nhận định: “Tuy sản lượng nghêu giống lẫn nghêu thịt (nghêu nuôi) hàng năm tại Thạnh Phong không bằng so các HTX nuôi nghêu tại Bình Đại, song nếu môi trường sống của con nghêu Thạnh Phong được gìn giữ, khai thác tốt, con nghêu vẫn có thể đem lại cuộc sống khá hơn cho rất nhiều người dân nghèo sống vùng ven biển Thạnh Phong…”.

Người dân khá lên nhờ nghêu Ảnh: Thanh Ngân

Họa vô đơn chí!

Qua cầu Bồn Bồn, tôi lội băng đường rừng hơn 5km mới đến Cồn Dài (ấp 6, Thạnh Phong), nơi có bãi nghêu rộng khoảng 100 ha do HTX Thủy sản Thạnh Phong quản lý. Song, đây chưa phải là bãi nghêu xa nhất trong nhiều bãi trên dãy bờ biển Thạnh Phong – Thạnh Hải. Muốn đến các bãi nghêu ở ấp 7 (Thạnh Phong) rộng khoảng 150 ha, phải đi xa thêm khoảng 5km nữa. Các bãi nghêu tại đây nằm trải dài trên một địa bàn sát cửa biển rộng lớn, cheo leo, phức tạp.

Chủ nhiệm HTX Thủy sản Thạnh Phong Phạm Văn Công nói: “Lúc khoảng 10 giờ tối ngày 8 đến 10/7 và đợt 2 là vào trưa 12/7, lần lượt có đến 2.000 người ngang nhiên tràn vào san bằng bãi nghêu Thạnh Phong”. Một xã viên mắt buồn trông ra biển, chua chát nói: “Ở đây chuyện bắt nghêu trộm cứ diễn ra liên miên, dai dẳng. Năm 2006, khi nghêu giống vừa xuất hiện chẳng bao lâu, chưa đến tháng tuổi được phép khai thác, lập tức nghêu bị bắt trộm sạch sẽ! Năm 2009, vào thời điểm cuối tháng 5, hàng ngàn người từ nơi khác đã ập đến bắt trộm nghêu giống trước sự bất lực của những xã viên bảo vệ bãi nghêu. Năm 2011, vào tháng 7 này, như… đến hẹn lại lên… Điều đáng lo là môi trường bãi nghêu bây giờ đã bị phá tan hoang, liệu rồi con nghêu có còn chịu đến đây để sinh sản?!”.

“Nhưng số người trộm nghêu từ đâu đến?” – tôi hỏi. Anh xã viên thở dài: “Ngoài tỉnh có, trong tỉnh có, nhưng căng nhất là người ở… ngay trong “ruột”, tức là những người dân tại địa phương và những xã viên thông đồng với thương lái bên ngoài!…”. Tôi thốt lên: “Vậy là “mỏ nghêu” bị “nội tuyến”!..”. Anh xã viên ghé nhỏ vào tai tôi: “Điện thoại di động đã phủ sóng khắp nơi. Thấy không có xã viên giữ nghêu hoặc người của phe họ thì chỉ cần a lô tiếng. Nghêu cám (nhỏ bằng đầu tăm) hiện 22 -24 triệu đồng/kg, tăng gấp 10 lần so năm 2010, hỏi sao mà không ham cho được…”.

Các nghêu tặc có cách đánh vào các bãi nghêu thật táo tợn. Trong đêm, sau khi nắm “thông tin”, nghêu tặc ập đến, dùng lưới mùng vơ vét cấp tập nghêu giống, trong khi đó số xã viên bảo vệ bãi nghêu có mặt chỉ vài chục người. Làm không xuể, và trong cảnh hỗn độn đó, thấy người ngoài bắt nghêu nhiều quá nên “người nhà” cũng… bắt trộm theo! Hoặc giả nghêu tặc đánh theo kiểu biệt kích. Nơi ven biển rộng mênh mông, họ đào hố núp dưới cát để ẩn mình. Không thấy có người, họ liền hoạt động. Còn thấy người hay tàu tuần tra sắp đến thì họ vùi mình xuống hố, đấp cát lên. Ở hướng sát cửa biển Thạnh Phong, nghêu tặc ẩn hiện như ma trong những vạt rừng ngập mặn, chực chờ cơ hội tiến ra bãi nghêu.

Chủ nhiệm Phạm Văn Công giọng buồn rượi: “Sau hơn 10 năm, bãi nghêu Thạnh Phong mới tương đối ổn định. Thế rồi vào đầu năm 2010 bỗng nhiên nghêu chết hàng loạt. Sau hiện tượng nghêu chết, HTX ổn định lại vùng nuôi và khai thác đợt 1 được 28 tấn nghêu, bán gần 800 triệu đồng. Khi chuẩn bị khai thác đợt 2, người bắt trộm nghêu đã lộng hành. Ngặt nỗi trong số đó có khoảng 500 người là xã viên HTX. Các xã viên đó nói, nếu họ không cùng bắt, kẻ trộm bắt hết rồi sao?!”.

Phó Chủ tịch UBND xã Thạnh Phong Lê Thanh Liêm cho biết, trong quá trình tuần tra, bảo vệ bãi nghêu, nhiều cán bộ đã bị người dân hăm dọa, thậm chí xô xát, trong đó, Đại úy Hồ Văn Dữ, công an huyện Thạnh Phú đã bị một số đối tượng quá khích tấn công.

Cứu lấy “mỏ nghêu” – cách nào?

Ông Lê Thanh Liêm cho biết, Ban chủ nhiệm HTX Thủy sản Thạnh Phong sẽ họp khẩn cấp kiểm điểm từng cá nhân và sau đó là hội nghị thường niên. Tại hội nghị này, các xã viên và nhân dân sẽ bầu tín nhiệm lại từng thành viên của ban chủ nhiệm…

Hơn 10 năm qua, cứ cách một hai năm, tình hình rối ren về con nghêu lại diễn ra trên địa bàn xã Thạnh Phong. Sau mỗi đợt bãi nghêu bị trộm hoành hành, huyện, xã, các HTX lại cùng nhau bàn biện pháp củng cố nhưng rồi không mang lại kết quả tốt hơn. Chủ nhiệm HTX Thủy sản Thạnh Phong Phạm Văn Công tâm sự: “Không bảo vệ được bãi nghêu vì Thạnh Phong chưa có một tập thể xã viên đoàn kết, đủ mạnh để đối phó với người bắt trộm như tại HTX Thủy sản Rạng Đông, Đồng Tâm (Bình Đại)…”.

Cái khó của Thạnh Phong là các bãi nghêu nằm trải dài trên địa bàn quá rộng nên việc bảo vệ rất vất vả, phức tạp. Tuy nhiên, nếu tất cả xã viên đoàn kết, đồng lòng, ý thức nguồn lợi thủy sản đó là của chính mình thì nạn trộm nghêu rồi cũng phải bị đẩy lùi. Bên cạnh, HTX Thủy sản Thạnh Phong cũng cần đến sự hỗ trợ của lực lượng biên phòng và các ngành hữu quan trong “khóa chặt” các đầu mối thu mua nghêu bắt trộm từ bên ngoài…”.

>> HTX Thủy sản Thạnh Phong quản lý 253 ha nuôi nghêu ở ấp 6, ấp 7 xã Thạnh Phong với 1.474 hộ xã viên. Mỗi xã viên đều góp vốn 500.000 đồng, trong có khoảng 50% xã viên là hộ chính sách, hộ nghèo.

Theo ước tính của nhiều xã viên, có khoảng 50kg nghêu giống, trên 10 tấn nghêu thịt, 40 tấn ngao đã bị bắt đi, tổng thiệt hại khoảng 2 tỉ đồng.

Phan Lữ Hoàng Hà

©2015 Bản quyền thuộc về www.dntg.vn. Ghi rõ nguồn DNTG.VN – Mỗi Năm Học Một Điều Mới – khi bạn phát hành lại thông tin từ website này.

Leave a comment

This website uses cookies to improve your web experience.
Home
Account
Cart
Search
Explore
Drag